Núi – một chặng đường gian nan trong hành trình khai phá đất phương Nam. Khai sơn, mở núi, tìm nơi ẩn trú, an cư… là những điều mà ông cha ta đã từng làm.

 

miền tây, núi cấm

Đến An Giang, Miền Tây bạn hãy dừng chân ngắm cảnh non nước và tưởng nhớ về những công lao của cha ông.
Trong Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang, Sơn Nam cho biết:
Vì “người bình thường thích sống nơi sông sâu nước chảy phía Tiền Giang” nên trong thực tế, việc chiêu mộ lưu dân về khai khẩn An Giang vào buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, phải “có sự cưỡng bức, đưa tù phạm từ miền Trung và các tỉnh của Nam Bộ đến lập đồn điền hoặc bắt buộc quân sĩ đến canh tác nhằm tự túc về lương thực. Mặt khác còn những người tự nguyện đến, họ muốn sống dọc ngang một cõi, trước kia từng làm tá điền ở Tiền Giang hoặc từ miền Trung bị bóc lột thậm tệ. Lại còn những người Việt lưu lạc ở Campuchia về lập nghiệp. Thêm một số người khó kiểm soát: người Hoa, người Xiêm, người Lào, người Chăm, vài nhóm người Việt từ miền Trung vào tị nạn. Họ theo đạo Thiên Chúa muốn tìm vùng đất riêng để sinh sống, dễ bề tấn thối khi sự đàn áp trở nên căng thẳng tùy giai đoạn. Trước tình hình phức tạp về chính trị, kĩ thuật canh tác lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, người xưa đã qua nhiều vấp váp để xây dựng đất An Giang” .

Nhìn về núi, nhìn về những chốn linh thiêng, những bài ca phiêu du ngất ngưỡng, những con rắn độc hùm beo, và thầm ngưỡng mộ lòng can đảm của những con người mở đường mở lối.
Khó khăn, vấp váp trước hết bởi vì mấy trăm năm trước, đây là vùng tiền đồn, biên cương, nơi cộng cư của nhiều dân tộc và lưu dân từ nhiều nguồn khác nhau, lại thường xuyên gánh chịu nhiều rủi ro, chiến tranh, cướp bóc, dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, khi nói tới những thử thách khắc nghiệt mà các thế hệ lưu dân Việt đầu tiên phải đối mặt ở vùng đất này, dứt khoát phải đề cập đặc điểm địa hình phức tạp với thế đất “xoay lưng về núi, đeo dài theo sông, nhiều chầm đìa, rừng rú” mà Nam Kỳ địa dư chí đã ghi nhận.

An Giang – sông sâu nước chảy với những cảnh đẹp hùng vĩ của đồng bằng Sông Cửu Long

Thế đất An Giang khác biệt so với miệt “sông sâu nước chảy” ở hạ nguồn sông Cửu Long, nhờ có những ngọn núi cao nổi lên giữa vùng đồng bằng, hoặc lẻ loi hoặc kết tụ từng cụm, tập trung ở các khu vực thuộc ba huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và vùng ven thành phố Châu Đốc. Ngoài núi Ba Thê, núi Sập, núi Sam, còn có một dãy núi dọc dài theo vùng biên giới Tây Nam, bao gồm nhiều ngọn núi nhỏ được liệt kê một số ít tiêu biểu trong Đại Nam nhất thống chí (Nguyen Dynasty’s National Historical Institute, 1973, p.24) và Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (mục Sơn xuyên chí) như: núi Tà Chiếu, núi Trà Nghinh, Núi Voi (Tượng sơn), núi Ca Âm, núi Nam Sư, núi Khê Lạp, núi Chút, núi Tà Béc, núi Ba Xùi, núi Ất Giùm, núi Nam Vi, núi Đài Tốn, núi Chơn Giùm, núi Sâm Đăng, núi Đại Bà Đê, Tiểu Bà Đê…. Vì có nhiều ngọn núi nên đến nay cách hiểu về địa danh Thất Sơn và những ngọn núi nằm trong hệ thống Thất Sơn vẫn còn chưa thực sự thống nhất. Có người cho rằng Thất Sơn là danh từ để chỉ bảy ngọn núi tiêu biểu trên đất An Giang, gồm: núi Sam, núi Két, núi Cấm, núi Dài, núi Tô, núi Tượng, núi Sập. Tuy nhiên, lại có người cho rằng Thất Sơn là tên gọi để chỉ bảy ngọn núi đại diện cho tất cả những ngọn núi thuộc vùng Tri Tôn và Tịnh Biên, gồm: núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cẩm sơn), núi Tô (Phụng Hoàng sơn), núi Tượng (Liên Hoa sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ sơn), núi Nước (Thủy Đài sơn) và núi Dài Lớn (Ngọa Long sơn) (Hoai Phuong, 2015, p.206).

Xem du lịch núi Cấm An Giang

Thuyết minh về núi Cấm

vùng đất miền tây
Không nói đến sự phức tạp của các quan niệm, chỉ nhìn số lượng các ngọn núi có thể kể tên cũng đủ hiểu được ấn tượng đầu tiên của những thế hệ lưu dân Việt trong buổi đầu khai phá đất An Giang khi đứng trước núi, đối diện với một không gian hoang sơ, khắc nghiệt hơn cả những vùng đầm lầy, lau sậy mịt mùng, “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh tựa bánh canh” mà họ đã từng chinh phục. Chốn núi cao, rừng sâu vốn tiềm ẩn những thế lực đe dọa có sức mạnh hiểm nguy đáng sợ khiến cho khó khăn chồng chất thêm khó khăn và nỗi lo âu, cảm giác bất an, ngán ngại ít nhiều làm chùn bước chân những người đi mở cõi khiến họ phải cố lên gân, xốc áo, hun đúc tinh thần, động viên nhau vượt qua thử thách bằng những câu hát dân gian kiểu như:
“Trước ba sông thêm rạng chí tang bồng Sau bảy núi chẳng nao lòng tuấn kiệt”.

An Giang nơi những huyền tích ẩn diệu lưu danh

Về An Giang, ghé Núi Cấm thăm thú những người ẩn cư tu mà nghe những câu chuyện kì bí, đậm màu nhiệm theo những ký ức thời gian. Về An Giang, lên núi Cấm để nghe tiếng kinh mõ của núi rừng thu phục những hồn thiêng.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ vùng đất An Giang mới có cả một kho tàng huyền tích phong phú liên quan đến những sức mạnh rừng núi hoang dã mà con người phải đối đầu trong cuộc chiến khốc liệt “phá sơn lâm, đâm hà bá” để sinh tồn. Cọp Bảy Núi nổi tiếng nhiều, hung dữ, tinh khôn, có thể hiểu được tiếng người, đặc biệt là cọp trên núi Bà Đội Om chuyên ăn thịt người. Núi Dài lớn (Ngọa Long sơn) cao gần 600m, như con rồng nằm vắt qua bốn xã Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì thuộc huyện Tri Tôn tương truyền là nơi có rất nhiều cọp dữ. Rắn hổ mây chúa trên đỉnh núi Cấm thân to như khúc gỗ, mỗi lần cuộn mình di chuyển là gây ra giông gió. Dưới chân núi Sam, núi Cấm, núi Két có nhiều heo rừng hung dữ tấn công cả cọp, trong đó, một huyền tích cho biết, con heo đực đầu đàn, to như con bò, có hai nanh nhọn như lưỡi dao, da dày như áo giáp, gươm giáo không đâm thủng… Nỗi khiếp sợ những thế lực núi rừng hoang dã còn in đậm dấu ấn trong cách gọi heo rừng đầu đàn là “Chúa Chảng”, gọi rắn hổ mây khổng lồ là “ông Mây”, gọi cọp đầy thành kính là “Ông Thầy”, “Ông Hùm”, “Ông Ba Mươi”…; trong huyền thoại về ma cọp đi theo tiếng chim thiêng hay tiếng kêu than của những oan hồn bị cọp ăn thịt không thể siêu thoát; trong tập tục thờ cúng chúa sơn lâm, sơn thần, thần bạch hổ… còn bảo tồn phổ biến tại các di tích đình miếu ở An Giang. Câu đối tại miếu thờ Bạch Hổ ở đình thần An Hòa (Tri Tôn) được dẫn dưới đây là một trường hợp tiêu biểu không chỉ thể hiện niềm kính tín của cư dân với các thế lực tự nhiên đáng sợ mà còn in dấu tàn tích của nỗi ám ảnh về một không gian rừng núi hoang sơ, khắc nghiệt trong chiều sâu vô thức cộng đồng thời mở đất:
山中威可畏林上勇能驚
Sơn trung uy khả úy;
Lâm thượng dũng năng kinh .
(Trong núi oai đáng sợ
Trên rừng dũng phải kinh)
Con người sợ hãi, thành kính trước các thế lực tự nhiên hoang dã nhưng không lùi bước mà tìm cách hòa nhập, thậm chí chinh phục những sức mạnh hung bạo của núi rừng bằng chính sự thông minh, tài năng, sức mạnh dẻo dai, ý chí kiên cường của mình. Dấu ấn của khát vọng chinh phục thể hiện rất rõ trong những huyền tích thời mở đất liên quan đến những người tài năng, võ nghệ cao cường, thuật pháp kì dị: ông Tăng Chủ hàng phục hổ dữ, ông Đình Tây được xem là khắc tinh của Sấu Năm Chèo, ông sư bán khoai giết hổ cứu bạn, cha con võ sư Anh Kiệt và Anh Thư dùng song kiếm giết “chúa chảng” đầu đàn dưới chân núi Anh Vũ, những ông thầy bắt rắn chuyên dùng phương thuốc bí truyền và bùa ngãi để cứu chữa người bị rắn độc cắn, cụ Cử Đa tu tiên đắc đạo, xuất quỷ nhập thần, thỉnh thoảng vẫn cỡi hổ mun thoắt ẩn thoắt hiện trong vùng Thất Sơn, Tà Lơn… Không chỉ chinh phục, nhiều nhân vật kì bí còn có khả năng cảm hóa những sức mạnh rừng rú, hoang dã, có thể khiến cho bạch hổ trên núi Cấm hóa hiền lành, rắn thần trên chùa Hang (Phước Điền tự – Núi Sam) nghe kinh kệ mà quy y…
Núi non hiểm trở khiến con người hoảng sợ nhưng mặt khác, chính không gian tiềm ẩn những sức mạnh hoang dã, chứa đựng đầy rủi ro và những mối đe dọa đó lại là một môi trường thử thách có khả năng kích hoạt bản năng tự vệ, giúp con người tìm được mọi cách thức ứng xử thích hợp nhất để sinh tồn khi quyết định dừng chân lập nghiệp trên vùng đất bán sơn địa, rừng núi mịt mùng. Xét đến cùng, dù biểu tượng núi và sức mạnh đáng sợ của nó luôn in đậm dấu ấn trong những câu hát dân gian và hàng trăm giai thoại huyễn hoặc liên quan đến thời mở đất; trong những tập tục, nghi lễ cổ xưa; trong hàng nghìn di tích đình, chùa, miếu, am, cốc… nằm tập trung ở các khu dân cư hay rải rác, trơ trọi trên những hang động, hốc núi, vách đá cheo leo giữa trùng điệp đại ngàn… nhưng vai trò của con người trong công cuộc chinh phục sức mạnh của núi vẫn là yếu tố quyết định.