Phát triển du lịch An Giang vùng đất biên giới

An Giang – vùng đất đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên là 3.536,8 km2, là  một tỉnh biên giới có phía tây bắc giáp Campuchia với đường biên giới  dài  104 km rất thuận tiện cho việc giao thương với nước bạn. An Giang là một tỉnh  đồng  bằng nhưng có địa hình đồi núi; vùng núi chủ yếu tập trung ở các huyện giáp biên giới như Tri Tôn, Tịnh Biên và thành phố Châu Đốc và nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên, sự hùng vĩ và linh thiêng. Bên cạnh đó, vùng đất An Giang là nơi cư ngụ lâu đời của các dân tộc lớn là Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng chung sống gắn bó và sự đa dạng về tôn giáo đã góp phần tôn tạo nên những giá trị đặc trưng về văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng được  biểu  hiện  thông  qua  các  lễ  hội  truyền  thống, các nơi thờ tự và trong cả đời sống sinh hoạt của người dân. Với những đặc điểm nêu trên, An Giang hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng và lợi thể để đưa ngành du lịch tiến nhanh và xa hơn nữa.

Thực tiễn đã chứng minh, du lịch là một ngành có giá trị kinh tế cao; đó cũng chính là mục tiêu hiện tại và trong tương  lai mà hoạt động phát triển du lịch hướng đến. Song, mục tiêu đó không phải là cuối cùng và duy nhất. Điều này có nghĩa là  phát triển du lịch phải hướng đến sự phát triển toàn diện, về mọi mặt. Đối với quốc phòng – an ninh (QP-AN), du lịch là một công cụ hữu dụng góp phần giáo dục ý  thức và xây dựng nhận thức về  trách  nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh  thổ  trong cộng đồng dân cư, thông qua việc trải nghiệm và cảm thụ các giá trị nhân văn. Phát triển du lịch tập trung dựa vào tiềm năng, lợi thế của vùng núi, biên giới ngoài ý nghĩa mang lại giá trị kinh tế còn là phương án giúp khẳng định chủ quyền,  thực thi quyền làm chủ, quyền  tự  quyết của quốc gia; có ý nghĩa đặc biệt  trong việc tạo sự gắn bó, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc,  các  tôn giáo thông qua các hoạt động giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu về bản sắc văn hóa. Du lịch phát triển mạnh mẽ, một mặt là sự bổ sung đáng kể nguồn lực về mặt tài chính, mặt khác góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội hạn chế những tác động tiêu cực đến vấn đề quốc phòng, an ninh.

Ngược lại, du lịch sẽ không có điều kiện thuận lợi để phát triển, không thu hút được du khách nếu vấn đề QP-AN tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an toàn, an ninh và sẵn sàng bùng nổ xung đột. Quá trình củng cố QP-AN vùng núi, biên giới là biểu hiện của sự vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự chuẩn bị tích cực sẵn sàng đủ sức bảo vệ vững chắc những thành quả kinh tế và tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Như vậy, chúng ta chủ trương tập trung phát triển ngành du lịch một phần là để phòng ngừa các nguy cơ dẫn đến sự bất ổn trong lĩnh vực QP-AN, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền vùng lãnh thổ “phên dậu”, “hàng rào” ngoại vi của Tổ quốc. Ngược lại, ngành du lịch An Giang có được điều kiện thuận lợi để phát triển và đạt nhiều thành tựu như hiện nay một phần phải kể đến những đóng góp tích cực từ các hoạt động củng cố quốc phòng an ninh.

Các di tích lịch sử cách mạng luôn có giá trị to lớn, là nơi ghi lại dấu ấn của quá trình sinh sống và đấu tranh gian khổ, kiên cường, bất khuất, anh dũng của quân và  dân tỉnh An Giang góp phần quan trọng  vào sự thành công trong công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức và xây dựng  ý thức bảo vệ Tổ quốc nói chung; bảo vệ vùng núi, biên giới tỉnh An Giang nói  riêng. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải chủ trì và phối hợp với các bên có liên quan thực hiện thiết kế, xây dựng và đưa vào hoạt động các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố lịch sử cách mạng. Chẳng hạn như loại hình sản phẩn du lịch về nguồn tìm hiểu các khu di tích Đồi Tức Dụp, căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu… Việc làm này không những mang ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế – xã hội mà còn tác động không nhỏ đến ý thức bảo vệ Tổ quốc của người dân và sự ổn định của lĩnh vực QP-AN.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *