Núi Cấm hay còn gọi là núi Ông Cấm có tên chữ là Thiên Cấm Sơn, nằm trong khu tam giác Tịnh Biên – Nhà Bàng – Tri Tôn, là một trong những ngọn núi của dãy Thất Sơn, tỉnh An Giang. Núi Cấm là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong cụm bảy núi với độ cao 705m và được nhiều người trân trọng như là một ngọn núi thiêng liêng với nhiều giai thoại trong dân gian. Từ xa xưa núi Cấm có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn, được mệnh danh là một ngọn núi đẹp như gấm lụa. Không những vậy, nơi đây được mệnh danh là Đà Lạt của đồng bằng sông Cửu Long, và là nơi nhuốm màu huyền bí, là chốn linh thiêng dành riêng cho bậc chân tu hay thần tiên giáng thế.
Nhiệt độ núi Cấm dao động từ 18 đến 24 độ, mát mẻ quanh năm, do đó, thảm thực vật cũng nở nên đa dạng. Núi được che phủ bởi hơn 815 loài cây rừng như thông, ngọc lan, thạch tùng, thiên tuế, dương xỉ, … Những buổi sáng, cảnh vật nhuốm màu sắc đẹp lạ thường. Hòn núi từ màu xám đổi sang màu tím, rồi màu hồng – ngả qua màu nhạt… lóng lánh hạt sương như những viên kim cương nhiều màu hiếm có. Theo sách phong thủy, núi Cấm là một long huyệt, chạy dọc theo An Giang, nằm giữa vùng đồng bằng được phù sa bồi đắp, đây chính là nơi sở hữu thiên thời địa lợi, địa thế đẹp, và là khu du lịch sinh thái lý tưởng.
Không chỉ có thiên nhiên trời ban, mà núi Cấm còn sở hữu những điểm tham quan, những thắng cảnh dọc từ chân núi đến đỉnh. Từ suối nước khoáng Thanh Long thơ mộng nằm lưng chừng núi với nguồn nước vô tận, suối Tiên róc rách ầm ì như hòa âm cùng thiên nhiên. Rồi Điện Bồ Hong – đỉnh cao nhất núi Cấm, tại đây ngày đêm lộng gió, mây trắng quẩn quanh mỗi sáng chiều. Rồi về Ông Bướm với hai khối đá kết lại giống hình hai con bướm tựa vào nhau, có nguyệt điện du khách thường vào đấy thám hiểm. Còn có điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, đến động Thủy Liêm. Từ trên đỉnh núi, bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn An Giang bé nhỏ, những cánh đồng lúa bát ngát xanh tươi. Núi Cấm cũng đẹp về đêm, khi trăng treo lơ lửng trên đầu núi. Âm thanh sống động từ thiên nhiên, núi rừng, sương rơi lóng lánh trên lá cây. Cảnh sắc thiên nhiên này xứng đáng được người đời chiêm ngưỡng.
Cho dù với cách lý giải nào thì thực tế, núi Cấm là một thực thể do thiên nhiên tạo nên, qua ngần ấy thời gian tồn tại, đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ bằng sự kết nối những giai thoại truyền thuyết dân gian và niềm tin tôn giáo. Chùa Phật Lớn – nơi tu sĩ Bảy Do tụ nghĩa rèn quân chống giặc Pháp xâm lược. Chùa Vạn Linh được bao nhiêu tín đồ phật giáo tôn thờ. Núi Cấm tồn tại từ xưa đến nay như một biểu tượng tâm linh, theo thời gian hình thành nên nhiều yếu tố văn hóa tâm linh khác không kém phần đa dạng, phong phú.
Bạn sẽ quan tâm các chủ đề sau:
Để du lịch ngày một phát triển hơn, khu du lịch Lâm Viên được xây dựng ngay dưới chân núi Cấm với diện tích đến 100ha. Không chỉ là địa điểm ăn uống, nghỉ chân, khu du lịch Lâm Viên còn sở hữu cáp treo băng qua núi. Du khách có thể băng qua hồ nước Thanh Long, lơ lửng giữa lưng chừng núi, thỏa sức ngắm nhìn thiên nhiên từ trên cao, phóng tầm mắt đến nơi xa, tâm hồn bạn sẽ trở nên thư thái hơn hết, bỏ lại tất cả những mệt mỏi nơi công sở, tất bật nơi phố xá, hòa mình cùng thiên nhiên. Đừng ngần ngại đến với núi Cấm một lần, bạn nhé!