Những món ngon vùng đất An Giang có rất nhiều. Các món ăn ở đây được nấu theo kiểu miền Tây, pha trộn một chút với kiểu người Xiêm nên có vị rất đằm và thơm. Lâm Viên Núi Cấm xin kê tên TOP 12 món ăn ngon ở An Giang để bạn biết và nếu có cơ hội đến đây du lịch đừng quên thử qua những món này nhé.
1. Mắm Thái Châu Đốc
“Mắm Châu Đốc
Dốc Nam Vang” (Tục ngữ)
Hàng năm vào mùa nước nổi của Đồng Bằng Sông Cửu Long những đàn cá lóc, cá linh, cá trèn, cá chốt, cá sặc, cá rô…rất nhiều cung cấp nguồn thực phẩm thiên nhiên cho con người, mỗi mùa một đặc trưng, mỗi loại cá có món ăn độc đáo riêng như nấu, nướng, chiên, kho…thường ăn cá tươi, nhưng nhiều quá nên người dân sáng chế ra các món để ăn được lâu như món mắm.
Mắm thì ở đâu cũng có nhưng mắm Châu Đốc, mang nhiều nét đặc trưng độc đáo, nhất là mắm thái.
Cá làm mắm, thường là cá lóc hoặc cá bông, chọn con to, đập đầu đánh vảy, rửa sạch đem ngâm với muối trong khạp độ 15 ngày, dùng gạo lứt rang cho thật vàng, xây nhuyễn làm thính. Thắng đường thốt lốt cho có chỉ, chao vô mắm. Độ mười lăm ngày cho thấm, mắm vừa ăn, vớt cá ra đem chặt đầu, lóc xương và thái nhỏ cở chiến đũa, ướp đường, bột ngọt, nước mắm biển xăm xắp. Trộn đu đủ mỏ vịt, xắt từng sợi nhuyễn, phơi một ngày cho dẻo, xong cho mắm vào khạp, rải thính đều, ém thật khít, không cho gió lọt vào.
Ăn mắm thái cần có rau sống, khế chua, chuối chát, gừng, ớt, thịt ba rọi luộc chín xắt miếng. Bánh tráng cuốn mắm, bún và các thứ rau chấm với nước mắm Phú Quốc làm chua ngọt, màu mùi hòa nguyện, mắm trở thành món ăn đặc biệt dành cho những người bạn cũ gặp nhau, những người xa quê hương hay đãi khách thân tình, thật ý nghĩa và hấp dẫn.
2. Đường Thốt Nốt
Đường Thốt Nốt là đặc sản của An Giang. Mùa đường thường bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc và tháng 5 năm sau, một cây thốt nốt cho nước 7-8 tháng, sản lượng bình quân khoảng 2.0 tấn/năm.
Hiện Bảy Núi có khoảng 1.500 lò đường. Nhờ cải tiến quy trình kỹ thuật trong khai thác, chế biến nên sản lượng đường, nước thốt lốt ngày càng tăng. Mặc dù vậy thị trường vẫn mở rộng nên các chủ lò ngày càng chăm chút cho việc cải tiến chất lượng, đường ngày càng thơm, trắng và bao bì càng bắt mắt hơn.
Ven các tuyến đường tỏa đi phum, sóc cũng có những quán giải khát với món nước thốt nốt lên men, vừa ngọt vừa chua, thơm lựng. Đường thốt nốt theo khách hành hương tỏa đi khắp cả nước và còn xuất theo hợp đồng riêng lẽ sang Đài Loan. Tuy nhiên, để khai thác tốt tài nguyên từ cây thốt lốt thì cần có nhà máy chế biến, đóng hộp thạch thốt nốt, nước thốt lốt cũng như đa dạng hóa sản phẩm từ cây thốt lốt để bảo quản lâu và vận chuyển xa…
3. Khô Bò vùng Châu Đốc
Khô bò là đặc sản của vùng Châu Đốc, nơi thịt bò trở thành thực phẩm thông dụng với các món nổi tiếng: bò 7 món, phở bò, bò viên…mà đặc biệt nhất là món khô bò. Khô bò có 3 loại: khô bò màu vàng cứng giòn, khô bò màu nâu sẩm cứng mà không giòn, khô bò màu nâu xốp giòn dẻo. Du khách đến Châu Đốc không thể bỏ qua món đặc sản tiện dùng và rất ngon này.
4. Khô cá tra phồng
Cá tra là loài cá được nuôi nhiều ở vùng Châu Đốc. Những năm gần đây khô cá tra phồng xuất hiện trên thị trường và thu hút nhiều người tiêu dùng nhờ hương vị lạ miệng nên nhanh chóng phát triển.
Cách làm do người Việt từ Biển Hồ Campuchia mang về. Nướng hoặc chiên con khô phồng lên, thơm ngon đặc biệt. Phải chọn cá nuôi hầm – không lấy cá nuôi bè – để thịt được vàng tươi. Bí quyết là trước khi phơi khô có giai đoạn ngâm thịt cá dưới nước vài giờ. Có thể phồng lên 60 – 80% thể tích.
5. Bún nước kèn
Việt Nam là xứ của bún. Ngoài Bắc có món bún Thang, bún Mọc, bún Riêu, bún Ốc, bún Ngan, bún Đậu, bún Sườn, Canh bún. Miền Trung nổi tiếng với bún Bò Huế, bún Song Thần An Thái (Bình Định). Còn Nam Bộ thì có bún Bì, bún Chả giò, bún Thịt nướng, bún Cà ri, bún Nước Lèo Khmer. Đi bất cứ đâu đều có thể ăn được bún nhưng muốn thưởng thức món bún nước kèn thì phải đến Châu Đốc, An Giang.
Để có bát nước kèn ngon, cần phải có cá lóc đồng săn chắc, làm sạch, cho vào nồi nước đang sôi. Cá chín, vớt ra, để nguội, rỉa sạch thịt, bỏ xương. Một phần thịt cá làm chà bông, tán thành bột.
Phi hành, tỏi hơi vàng (không sử dụng mỡ, dầu) rồi cho bột cà ri, đinh hương, bông tai vị, quế, bột cá vào xào chung với thịt cá. Cho tất cả hỗn hợp này vào nồi nước luộc cá, nêm gia vị (nếu có Kroeng, một lọai gia vị của người Khmer, bún sẽ ngon hơn). Tiếp đó cho nước dừa vào, để lửa liu riu.
Cuối cùng, sắp xà lách, bắp chuối, giá, quế vào bát, gắp bún trải lên trên, rồi chan nước lèo vào xăm xắp, hương vị thơm lạ, khó có thể nào chê.
Tuy mang tiếng đặc sản Châu Đốc, nhưng bún nước kèn không phổ biến ở nhiều nhà hàng, quán ăn của vùng mà chủ yếu người dân bán trên các quang gánh theo các con đường.
6. Canh chua mùa nước nổi
Miền Tây mùa nước nổi (tầm tháng 8 – 10 hàng năm) có nhiều loại cá tôm và đủ loại rau. Vào mùa này món canh chua là món ăn khoái khẩu của dân địa phương và thực khách phương xa khi đến An Giang.
Canh chua ở An Giang thường nấu với cá lóc, cá linh hay thậm chí là cá bông lau (đúng mùa mới có)… Nấu kèm cùng với bông điên điển, bông súng,… Hầu như bạn có thể dễ dàng tìm được một quán bán canh chua, bất kể là nhà hàng sang trọng hay những quán ăn ven đường đều có phục vụ món này. Những nơi bán cơm sáng hoặc cơm trưa đều có phục vụ canh chua.
7. Bánh tằm bì Tân Châu An Giang
Bánh tằm bì là một món ăn ngon đặc sắc của Tân Châu với bì thịt, xíu mại mềm thơm là món ăn chơi cực kỳ lý tưởng cho những bạn nào đi dã ngoại, leo núi
Bánh tằm Tân Châu An Giang được làm từ những sợi bánh làm từ bột độ giòn và béo hơn so với bánh canh. Khi ăn thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt. Món ăn này là sự tổng hòa của vị mặn, vị béo, vịt ngọt và vị cay của ớt.
8. Bò bảy món Núi Sam
Món bò bảy món là một nhóm những món ăn được làm từ bò. Bò ở vùng Bảy Núi nổi tiếng là thịt săn chắc và béo ngọt, dó đó những món ăn từ bò cũng rất được chú ý.
Món bò bảy món bao gồm các món ăn nhỏ như: bò đun bánh hỏi, cháo đầu bò, lòng bò luộc, bò xào lá giang, bò khìa với bánh mì, bò lúc lắc và thịt bò bít tết. Hầu như các quán ăn không thịt bò sẵn ở chợ mà thường tìm mua tại các hộ chăn nuôi, họ mua bò nguyên con để giết mổ tại chỗ nhằm đảm bảo nguồn thịt được tươi ngon nhất.
9. Bánh xèo rau rừng dọc đường lên Châu Đốc
Đã đi du lịch Núi Cấm An Giang bạn chớ quên dừng chân lại và ăn món bánh xèo. Trời chiều se lạnh của vùng núi cực Tây, ăn món bánh xèo ấm nóng cùng đĩa rau rừng thì không còn gì tuyệt bằng.
Điểm đặc biệt của bánh xèo chính là ở đĩa rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú với hơn 20 loại rau rừng. Đó có thể là lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại cho đến các loại dưa giá rất phong phú.Bánh xèo chỉ bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác, tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng.
Giá trung bình 20.000 – 35.000 VND/ phần bánh kèm với đĩa rau khủng ăn thả ga.
10. Xôi Xiêm của người Campuchia ở Tân Châu
Xôi Xiêm ở An Giang là một món của người Xiêm (Campuchia) nó có ngọt và béo của sầu riêng, đậu xanh và nước dừa. Món xôi xiêm là điển hình của việc giao lưu văn hóa ẩm thực giữa Việt Nam và Campuchia.
Món xôi xiêm ngon nhất là ở vùng Tân Châu, xôi ở đây có vị ngọt và béo nhất. Thành phần cơ bản của xôi xiêm bao gồm gạo nếp đồ xôi, đậu xanh, trứng gà và nước dừa. Ở một vài chỗ người bán cho thêm sầu riêng để tăng độ thơm và béo cho xôi xiêm.
Địa chỉ bán xôi xiêm:
- Ở bìa trên chợ Tân Châu (khu ăn uống, chỉ bán từ 6h chiều đến 9h tối);
- Khu quảng trường Tân Châu (gần cầu sắt cũ), đối diện với Bưu điện cũ, thường bán vào 6h – 8h tối.
11. Lía xào, lía luộc, lía một nắng
Con lía là một cách gọi khác của con hến. Lía ở sông nước miền Tây có rất nhiều, vì thế nó góp mặt trong rất nhiều món ăn. Tuy nhiên, người An Giang thích ăn lía luộc vì nó giữ nguyên độ ngọt của con lía. Có ăn món Lía An Giang thì bạn mới hiểu được những con sông miền Tây thân thương trong các ca khúc nó thân thương đến thế nào.
12. Tung Lò Mò Châu Phong
Tung Lò Mò là tên gọi của món Lạp xưởng bò, loại lạp xưởng đặc biệt của người Chăm theo đạo Hồi ở An Giang.
Đây là món ăn truyền thống của người Chăm và vì thế nó có vị lạ miệng không giống với ấm thực Việt Nam. Đi dọc các con đường ở Châu Phong (đường từ Tân Châu đi Châu Đốc) bạn sẽ bắt gặp những khu dân cư Hồi giáo. Tại đây là nơi người ta chế biến Tung Lò Mò.
Lạp xưởng bò là một trong những món mà khách du lịch mua về làm quà nhiều hơn cả, chỉ xếp sau món đường Thốt Nốt An Giang.
Xem thêm:
Du lịch tâm linh ở An Giang – những điểm đến thiêng liêng